Giới thiệu

Chương trình Mội xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam (OCOP)

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

 tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016;

Căn cứ  Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Quyết định 490/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra khảo sát;

Căn cứ Quyết định số 3325/QĐ-UBND ngày 13/9/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2020”;

          Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 85/TTr-SNN&PTNT ngày 29/3/2018 và Tờ trình số 132/TTr-SNN&PTNT ngày 14/5/2018; và đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 183/STC-NS ngày 23/4/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP).

2. Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

3. Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2030.

5. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm tất cả các xã, phường, thị trấn).

6. Đối tượng thực hiện:

Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

- Chủ thể thực hiện: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

7. Mục tiêu đề án:

7.1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

- Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Quảng Nam.

7.2. Mục tiêu cụ thể:

7.2.1. Giai đoạn 2018-2020:

 (1) Phát triển sản phẩm:

- Xác định, hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).

- Phát triển mới 100 sản phẩm (tăng dần theo các năm, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi).

- Phát triển từ 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP.

- Công nhận/chứng nhận sản phẩm OCOP: Có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

(2) Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP: Có ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia OCOP Quảng Nam, trong đó:

- Lựa chọn, củng cố 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (và dịch vụ du lịch nông thôn) hiện có của các địa phương.

- Phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

(3) Phát triển nguồn nhân lực:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP.

- Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

(4) Duy trì chu trình OCOP thường niên:

- Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện.

- Hằng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP.

(5) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến cấp huyện, theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên tỉnh Quảng Nam.

- Ban hành chính sách riêng cho chương trình OCOP; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.

- Xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

7.2.2. Giai đoạn 2021-2030:

(1) Phát triển sản phẩm: Có 500 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030.

(2) Phát triển các tổ chức kinh tế: Phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030.

8. Quan điểm và cách thức triển khai Đề án:

- Nhà nước ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.

- Cộng đồng dân cư (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, THT, hộ sản xuất tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh) chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

9. Nội dung Đề án

9.1. Triển khai Chu trình OCOP toàn tỉnh: Tuân thủ thực hiện theo Chu trình OCOP hằng năm gồm: (1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP(2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, (3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh, (4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh, (5) Đánh giá và xếp hạng sản phẩm, (6) Xúc tiến thương mại.

9.2. Xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP: Tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng: (1) Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến; (2) Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn và đồ uống không cồn; (3) Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu; (4) Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi; (5) Lưu niệm - nội thất - trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng; (6) Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu.

9.3. Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm: Các hoạt động đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo 05 hạng sao quy định tại bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của Quyết định 490/QĐ-TTg và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát có liên quan theo quy định.

9.4. Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP: Hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương mại điện tử, hội chợ, triển lãm; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: Hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gồm: Trung tâm OCOP (cấp huyện, cấp tỉnh); gắn kết gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ, khu dân cư lớn; điểm bán hàng OCOP tại các khách sạn, nhà hàng; quầy giới thiệu sản phẩm OCOP tại các vị trí thuận lợi (Dự kiến quy hoạch Trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương theo Phụ lục 2 đính kèm).

          9.5. Đào tạo nhân lực: Tập huấn, đào tạo cán bộ tham gia quản lý, điều hành Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn cho các chủ thể sản xuất, lao động tại các các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Nội dung đào tạo theo khung đào tạo Chương trình OCOP quy định tại Quyết định 490/QĐ-TTg, các nội dung cần thiết khác.

9.6. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, dự án thành phần:

9.6.1. Nhóm dự án nâng cấp/phát triển sản phẩm thực hiện theo chu trình OCOP thường niên. Các Dự án nâng cấp/phát triển sản phẩm được cộng đồng đề xuất và làm chủ đầu tư. OCOP cấp huyện quản lý đầu tư, chủ trì phối hợp với cơ quan tư vấn, các đối tác để hỗ trợ cộng đồng trong quá trình cộng đồng triển khai dự án. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành.

9.6.2. Nhóm dự án, đề án xây dựng Trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các dự án/đề án này do UBND cấp huyện thực hiện với sự tham gia của cơ quan tư vấn và các đối tác.

9.6.3. Nhóm dự án khai thác thế mạnh của nông nghiệp - nông thôn của Quảng Nam gắn với phát triển du lịch:

(1) Dự án Trục văn hóa - Nông dược (nông sản, dược liệu) Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh- Trà My, gồm các dự án thành phần:

a. Dự án Công viên nông dược Quảng Nam trên địa bàn huyện Tiên Phước (dự kiến tại xã Tiên Lộc).

b. Dự án Vùng dược liệu Trà My trên địa bàn huyện Nam Trà My, Bắc Trà My (được thực hiện dưới dạng dự án tổng thể phát triển dược liệu Trà My gắn với du lịch).

c. Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Trà My.

d. Dự án Quy hoạch, xây dựng làng du lịch truyền thống cộng đồng Bắc Trà My (tại thôn Cao Sơn).

e. Dự án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng và các dự án về du lịch sinh thái gắn với phát triển các làng nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp.

Các dự án thành phần nêu trên do UBND huyện chủ trì thực hiện với sự tham gia của Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan ở tỉnh, cơ quan tư vấn và các đối tác (các tiểu dự án tại mục (c), (d), (e) được thực hiện theo Quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày 28/9/2017 của UBND tỉnh và các quyết định sửa đổi, bổ sung nếu có).

(2) Dự án nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (khoảng 05 dự án), dự kiến: Quế Trà My, Đẳng sâm, Tiêu Tiên Phước,… Các dự án này do OCOP tỉnh và OCOP huyện (trong phạm vi dự án) thực hiện với sự tham gia của cơ quan tư vấn và các đối tác.

(3) Dự án khởi nghiệp OCOP: Gồm các dự án khởi nghiệp để hình thành các chủ thể OCOP và tạo ra sản phẩm OCOP, do các hội viên Hội Phụ nữ và đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp thực hiện.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng từ 1 - 2 dự án phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của cấp huyện, các dự án phải tạo ra ít nhất 1 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện; ưu tiên thực hiện các dự án theo Quyết định 3150/UBND ngày 28/9/2017 của UBND tỉnh (và quyết định sửa đổi, bổ sung nếu có), như: Dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Đông Giang; Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện Tây Giang; Dự án phát triển làng nghề truyền thống Dệt thổ cẩm Nam Giang gắn với du lịch; Dự án xây dựng và phát triển làng nghề Bưởi Trụ Đại Bình và các loài cây ăn quả khác gắn với du lịch (Nông Sơn); các địa phương cấp huyện khác chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng dự án phát triển sản phẩm trọng điểm cụ thể.

Hoạt động này do OCOP huyện thực hiện với sự tham gia của các Sở, ngành liên quan ở tỉnh, cơ quan tư vấn và các đối tác. Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án chủ động xây dựng Kế hoạch để triển khai việc liên kết vùng trong việc phát triển các sản phẩm địa phương.

9.7. Triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch hng năm: Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng kế hoạch hằng năm trình UBND cùng cấp triển khai thực hiện. Riêng 2018, triển khai xây dựng Phương án thí điểm hoàn thiện/nâng cấp/phát triển các sản phẩm theo chu trình OCOP.

9.8. Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, tổng kết thực hiện Chương trình OCOP

10. Kinh phí thực hiện Chương trình OCOP:

10.1. Tổng kinh phí trong 03 năm (2018-2020): 579.073 triệu đồng

10.2. Nguồn vốn: Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh là chủ thể của Chương trình OCOP; ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hằng năm. Trong đó:

- Kinh phí do cộng đồng huy động: 433.073 triệu đồng (chiếm 74,8% tổng kinh phí đề án.

- Kinh phí từ Ngân sách Nhà nước: 146.000 triệu đồng (chiếm 25,2 % tổng kinh phí đề án). Cụ thể:

+ Bố trí từ 40% -50% vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (vốn ngân sách Trung ương) để thực hiện các nội dung phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng và phát triển Chương trình “Mỗi xã, một sản phẩm” và phát triển ngành nghề nông thôn theo Đề án trong 03 năm: 85.000 triệu đồng.

+ Bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế dự toán ngân sách tỉnh để hỗ trợ thực hiện Đề án trong 03 năm (2018-2020): 30.000 triệu đồng.

+ Các Sở, ngành của tỉnh bố trí từ 20%-30% dự toán chi sự nghiệp hằng năm để thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình OCOP trong 03 năm (2018-2020): 22.000 triệu đồng, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ (Hỗ trợ phát triển sản phẩm)15.000 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Khuyến nông)3.000 triệu đồng; Sở Công Thương (xúc tiến thương mại) 3.000 triệu đồng; Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch (hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng câu chuyện sản phẩm): 1.000 triệu đồng.

+ UBND cấp huyện bố trí tối thiểu 50% kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh bổ sung mục tiêu hằng năm cho ngân sách cấp huyện (hoạt động khuyến công) để thực hiện Đề án trong 03 năm (2018-2020): 9.000 triệu đồng.

- Hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, các Sở, ngành được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, có trách nhiệm lập dự toán theo nội dung cụ thể, có liên quan trong Chương trình OCOP và tổng hợp chung vào dự toán chi của đơn vị mình, gửi Sở Tài chính thẩm tra, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt và giao dự toán chi ngân sách theo quy định hiện hành. Riêng năm 2018, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Phương án thí điểm về phát triển sản phẩm OCOP trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm mở rộng các năm tiếp theo. Các Sở, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP, lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, phân bổ dự toán kinh phí ngân sách giao năm 2018 (dự toán chi hoạt động thường xuyên chưa phân bổ) hoặc trình UBND tỉnh bổ sung dự toán năm 2018 cho các Sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện. Ngoài ra, UBND cấp huyện sử dụng các nguồn sự nghiệp (sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp văn hoá thông tin...) cân đối trong dự toán ngân sách cấp mình để hỗ trợ thực hiện.

          11. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

          11.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Việc thông tin, truyền thông cần triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; trang web của Chương trình OCOP; dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh; trong các đợt hội nghị, hội thảo, tập huấn... Cần đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy các cấp; có trong kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương.

          11.2. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở, bao gồm:

- Ở tỉnh:

+ Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

+ Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp tỉnh tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

- Cấp huyện:

+ Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện.

+ Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế.

+ UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp huyện tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

- Cấp xã: UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

          11.3. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện

          11.3.1. Hệ thống tư vấn OCOP: Tư vấn toàn diện (hoặc lĩnh vực cụ thể) các hoạt động của Chương trình OCOP tại Ban Điều hành OCOP (cấp tỉnh, huyện) và các tổ chức OCOP tại cộng đồng.

          11.3.2. Hệ thống đối tác OCOP:

- Hệ thống đối tác OCOP bao gồm các tổ chức/cá nhân có quan hệ với các chủ thể OCOP theo cách hợp tác cùng có lợi ích, bao gồm: Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; các viện, trường đại học, nhà khoa học trong lĩnh vực ngành hàng của OCOP ở các tổ chức khoa học công nghệ trung ương, vùng và địa phương; các tổ chức/doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; các ngân hàng, các quỹ đầu tư; các tổ chức quốc tế; các nhà báo.

- Tổ chức Hội nghị đối tác OCOP, với sự tham gia của các tổ chức OCOP của tỉnh và các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, các nhà hỗ trợ chuỗi.

          11.4. Phát triển tổ chức kinh tế:

- Hỗ trợ các đối tượng/tổ chức đã tham gia OCOP nâng cấp về tổ chức sản xuất và kinh doanh, bao gồm: Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế hiện có; Hình thành các hợp tác xã/doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình; Nâng cấp/hoàn thiện cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị, nhân sự,...); mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh; kết nối các tổ chức OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này theo nguyên tắc cùng có lợi.

- Hỗ trợ các tổ chức OCOP nâng cao chất lượng quản trị, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm: Tư vấn tại chỗ về quản trị sản xuất kinh doanh; tập huấn, tư vấn tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến.

11.5. Chính sách thực hiện: Vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của TW, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại,…tích hợp các cơ chế, chính sách này để hỗ trợ Chương trình; nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới về OCOP.

          11.6. Huy động các nguồn lực thực hiện:

          - Xác định nguồn lực lớn nhất của Chương trình OCOP là nguồn lực từ cộng đồng (bao gồm tiền vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,...) được triển khai phù hợp với các quy định của pháp luật, được huy động trong quá trình hình thành các tổ chức kinh tế, dưới dạng góp vốn, triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP thường niên.

- Huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

- Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời thông qua các chính sách để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện Chương trình OCOP.

11.7. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Các đề tài/dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP (ưu tiên các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể).

- Triển khai thực hiện, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP. Xây dựng dữ liệu, ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho từng sản phẩm). Thiết kế website giới thiệu và quảng bá sản phẩm, làng nghề tiêu biểu,tiếp nhận ý tưởng phát triển sản phẩm.

11.8. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm: Phát triển sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiếp cận theo thị trường; trong đó, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.

11.9. Hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai: Hợp tác trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình OCOP tại tỉnh và thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu sản phẩm OCOP; tổ chức các chuyến tham quan, học tập Chương trình OCOP tại Thái Lan và các tỉnh, thành trong nước thực hiện tốt Chương trình OCOP.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; cụ thể:

- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai OCOP Quảng Nam theo giai đoạn và hằng năm. Riêng năm 2018, xây dựng Phương án thí điểm về phát triển sản phẩm OCOP trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm cho các năm sau.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định về thành lập hệ thống chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp tỉnh tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể về nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ của từng nội dung, đối tượng được hỗ trợ, để khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án thành phần của Chương trình.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, các Bộ ngành Trung ương theo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

2. Các Sở, Ban, ngành liên quan:

 

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu kế hoạch vốn, phân bổ vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình OCOP; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện Chương trình NTM và Chương trình OCOP; phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và đào tạo, tập huấn,... nhằm thực hiện tốt Chương trình OCOP.

- Sở Công Thương: Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng tham gia Chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn khuyến công, lập kế hoạch và ngân sách hằng năm cho hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Chương trình, tổng hợp/báo cáo kết quả công tác khuyến công; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ, triển lãm,...); cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm OCOP. Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hằng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch theo quy định.

- Sở Y tế: Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất sản xuất đạt tiêu chuẩn theo quy định, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm; xây dựng và bảo đảm các chỉ tiêu thuốc Y học cổ truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm; đánh giá các sản phẩm thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thuốc Y học cổ truyền.

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Hỗ trợ tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền; hướng dẫn các địa phương, các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các trung tâm, các vùng sản xuất sản phẩm OCOP.

- Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho các hoạt động của Chương trình; hỗ trợ các tổ chức kinh tế hình thành trong Chương trình về nghiệp vụ, chế độ quản lý tài chính.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đưa nội dung Chương trình OCOP vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách để thực hiện Chương trình.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP. Nghiên cứu xây dựng Website về Chương trình OCOP-Quảng Nam.

- Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định về thành lập hệ thống chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở, trên tinh thần sắp xếp, bố trí nhân lực hợp lý, không tăng biên chế ở các cấp.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Quản lý, chỉ đạo công tác đào tạo  nghề phục vụ phát triển Chương trình OCOP.

- Sở Giao thông vận tải: Phối hợp triển khai công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm Chương trình OCOP trên các tuyến vận tải hàng không, đường bộ và đường thủy.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh Ngân hàng thương mại: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay để tổ chức sản xuất.

- Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam: Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tư vấn phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm; thông tin, hỗ trợ phát triển đối tác OCOP, các chủ thể tham gia các đợt hội chợ, triển lãm liên quan về Chương trình OCOP.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Hỗ trợ các nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia OCOP hình thành và phát triển hợp tác xã; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.

- Đề nghị UBMT Tổ quốc Việt Nam và các Hội, Đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên và nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP. 

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn; giao nhiệm vụ cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách; các cơ quan phối hợp triển khai thực hiện Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thường niên ở cấp huyện.

- Xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai Chương trình OCOP tại địa phương. Hướng dẫn, chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện Chương trình theo Kế hoạch của UBND cấp huyện.

- Sử dụng, lồng ghép nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, vốn khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông,…  bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP.

- Tổ chức cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giao Thông vận tải; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Giám đốc Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh; Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Đã ký

Lê Trí Than

Theo bạn website Cty Cao Su Nam Giang?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây